Chi tiết tin - Xã Triệu Sơn - Triệu Phong
- Đang truy cập 2
- Hôm nay 51
- Tổng truy cập 5.284.841
KHÁI QUÁT VỀ SỰ HÌNH THÀNH CÁC LÀNG CỦA XÃ TRIỆU SƠN
Post date: 31/10/2022
Triệu Sơn là một xã đồng bằng ven biển, nằm về phía Đông nam của huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, cách trung tâm huyện lỵ (thị trấn Ái Tử) khoảng 8km. Địa giới hành chính xã Triệu Sơn phía Đông giáp xã Triệu Lăng, phía Tây giáp xã Triệu Tài, phía Nam giáp xã Hải Ba (Hải Lăng) và xã Triệu Trung, phía Bắc giáp xã Triệu Trạch. Địa bàn xã Triệu Sơn nằm dọc theo tuyến Bắc Nam, nơi dài nhất 7km, chiều ngang của xã có nơi rộng nhất là 5km.
Miền trung Trung bộ thế kỷ XIII về trước là một vùng đất trù phú nhưng hoang vu, hẻo lánh, dân cư thưa thớt, cư trú xen kẻ giữa các vùng rừng và rú rậm. Đầu thế kỷ XIV, sau khi hoạch định lại bản đồ nước Đại Việt, nhà Trần chủ trương di dời dân từ phía Bắc (chủ yếu từ các vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh) vào khai phá những vùng đất còn hoang sơ, mở đầu cho quá trình hình thành làng xã và thành lập các đơn vị hành chính tại đây. Nhưng trong thời gian này, việc di dân đến với vùng đất này chưa nhiều (Theo sách Minh Chí của Trung Quốc, mãi đến giữa thập kỷ thứ 2 của thế kỷ thứ XV, Châu Thuận và Châu Hoá, vùng đất của 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bây giờ mới chỉ có 79 làng, với 1470 ngôi nhà và 5662 nhân khẩu). Đợt di dân thứ 2 được bắt đầu từ những năm đầu trị vì của vua Lê Thánh Tông, đây là lần di dân khá lớn của nhân dân vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh. Theo sách “Thiên Nam dư hạ tập” viết năm 1483, riêng huyện Võ Xương có đến 53 làng. Năm 1553, sách “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An ghi là 59 làng. Như vậy, lúc bấy giờ các làng ở vùng đồng bằng đã khá nhiều, vùng trung du dân cư thưa thớt, một số vùng cát chỉ có một số người ở chứ chưa thành lập làng xã. Năm 1558, khi chúa Nguyễn Hoàng đem quân vào trấn giữ vùng đất Thuận Hoá, ông đã đem theo rất nhiều người hầu và nhân dân vào khai phá vùng đất này, đây được xem là lần di dân thứ 3 và là đợt di dân lớn nhất từ trước đến nay. Mãi đến 2 thế kỷ sau (năm 1776), sách “Phủ biên tạp lục” mới cho biết lúc đó huyện Đăng Xương gồm có 5 Tổng, 107 xã, 29 phường và 7 giáp. Từ đây, việc di dân thành lập làng chỉ còn diễn ra trong phạm vi nội bộ tỉnh hoặc huyện.
Trong những lần di dân này, các làng xã của xã Triệu Sơn ngày nay đã hình thành 8 làng với quá trình như sau:
- Làng Phương Sơn:
Địa giới làng Phương Sơn phía Bắc giáp làng Linh An xã Triệu Trạch, phía Nam giáp làng An Lưu, phía Tây giáp xã Triệu Tài, phía Đông giáp Triệu Lăng. Năm Đinh Mùi, đời Trần Anh Tông, niên hiệu Hưng Long, có 5 người quê ở làng Hương Liệu, tổng Thổ Lợi, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đem nhau đến vùng đất Thuận Hóa để khai khẩn và lập làng. 5 người đầu tiên có tên là Sào Kỵ, Trần Thơ, Trần Đại Lang, Nguyễn Công Cụm, Lê Văn Phẩm. Để ghi lại dấu ấn chốn quê cũ cho con cháu đời sau, họ đã đặt tên làng là Hương Liệu, qua quá trình phát triển sau này đổi làng Hương Liệu thành làng Phương Sơn.
Làng Phương Sơn từ khi thành lập đến năm 1945 thuộc tổng An Lưu, huyện Vũ Xương. Sau năm 1945, làng Phương Sơn thuộc xã Thượng An Phương. Tháng 10-1946, thuộc xã Phong Lai; từ tháng 8-1950, thuộc xã Triệu Cơ, từ tháng 10-1956, thuộc xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong cho đến ngày nay.
Làng hiện có 6 họ: Sào, Nguyễn Đông, Nguyễn Tây, Trần Đông, Trần Tây và họ Lê.
Nghề nghiệp chính của cư dân làng Phương Sơn chủ yếu là nghề nông, chăn nuôi và làm thêm nghề phụ.
Để tưởng nhớ công lao các vị tiền nhân đã có công sáng lập, tạo dựng, hàng năm làng Phương Sơn tổ chức lễ tế Thần hoàng và 6 vị tiền khai khẩn vào ngày 15/6 âm lịch. Tuy nhiên trong 20 năm gần đây, làng đã quy định cứ 3 năm mới tổ chức đại tế một lần tại miếu nghè của làng.
- Làng An Lưu:
Địa giới làng An Lưu phía Bắc giáp làng Phương Sơn, phía Nam giáp phường Đạo Đầu, phía Tây giáp làng Tài Lương (Triệu Tài), phía Đông giáp Triệu Lăng.
Làng An Lưu từ khi thành lập đến năm 1945 thuộc tổng An Lưu, huyện Vũ Xương (Theo sách “Đồng Khánh dư địa chí”, tổng An Lưu có 20 xã, giáp, phường. Đó là: xã An Lưu, xã Tài Lương, xã Văn Phong, xã Thượng Trạch, xã Hương Liệu, xã An Phú, xã An Hưng, xã An Trụ, xã Đạo Đầu, xã Linh Chiểu, xã Mỹ Khê, xã Xuân Dương, xã Thanh Lê, Giáp đông xã Ngô Xá, Giáp Tây xã Ngô Xá, xã Trung An, xã Ba Lăng, xã Đồng Bào, xã Gia Đẳng, xã An Hội).
Sau năm 1945, làng An Lưu thuộc xã Thượng An Phương. Tháng 10-1946, thuộc xã Phong Lai; từ tháng 8-1950, thuộc xã Triệu Cơ, từ tháng 10-1956, thuộc xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong cho đến ngày nay.
Các vị khai khẩn của làng gồm 3 họ Nguyễn, Lê, Trần kết thành anh em. Sau này có một số người nơi khác đến sinh sống và trở thành con dân của làng. Các vị khai khẩn của 3 họ đều được vua sắc phong là: “Dực bảo trung Hưng Linh phò gia tăng đoan túc tôn thần Đổ Vệ Bá, Đô Nguyên Soái, đại lạng chi thần”. Làng An Lưu và làng Phương Sơn cùng thờ chung một vị Thần, đó là thần Siva của Chămpa, là thần bảo vệ, cầu may mắn, biểu hiện sự hòa đồng của văn hóa Việt – Chăm. Do đó, tình cảm 2 làng An Lưu - Phương Sơn luôn gắn bó bền chặt.
Từ xưa, cư dân làng An Lưu chủ yếu sống bằng nghề nông và trồng khoai, đậu, dưa hấu, mè, về sau có phát triển thêm nghề đào ao nuôi cá, nuôi tôm. Một bộ phận khác hoạt động theo các nghề phụ như bún, thợ nề và các loại hình dịch vụ khác.
Để tưởng nhớ công lao của các vị tiền nhân đã có công sáng lập, tạo dựng, dân làng An Lưu đã chọn một khu tôn nghiêm tại rú An Lưu lập Nghè làng để thờ Thần Hoàng và 3 vị khai canh 3 họ. Do chiến tranh tàn phá, Nghè làng dựng tạm lại năm 1976 đã xuống cấp, nay đã được dân làng đóng góp nên đã xây dựng lại Nghè làng khang trang. Đây là điểm hội tụ để bà con An Lưu tổ chức tế lễ vào rằm tháng 5; ngày 25 tháng Chạp và ngày mồng 1 tết. Ngày đầu năm mỗi gia đình làm một mâm cổ đem lên cúng Ngài, cúng miếu âm hồn, mừng tuổi 3 Họ để nhắc nhở con cháu nhớ đến công ơn các vị khai khẩn và những người đã khuất.
- Làng An Phú
Địa giới làng An Phú phía bắc giáp làng An Lưu, phía Nam giáp làng Đồng Bào, phía Tây giáp làng Đạo Đầu, phía Đông giáp làng Thượng Trạch.
Làng An Phú từ khi thành lập đến năm 1945 thuộc tổng An Lưu, huyện Vũ Xương. Sau năm 1945, làng An Phú thuộc đơn vị Đạo Lương An. Tháng 10-1946, thuộc xã Phong Lai; từ tháng 8-1950, thuộc xã Triệu Cơ, từ tháng 10-1956, thuộc xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong cho đến ngày nay.
Các vị khai khẩn của làng gồm 2 họ tộc Lê, Hoàng. Thế tục các dòng họ Tiền Khai khẩn từ vị thủy tổ cho đến nay đã qua 18 đời. Các thế hệ của các tộc họ trong làng đã cùng nhau đồng cam cộng khổ, đoàn kết gắn bó chung sức khẩn hoang điền thổ để xây dựng và phát triển làng xóm từ buổi khởi nghiệp cho đến ngày nay.
Từ xưa, cư dân làng An Phú chủ yếu sống bằng nghề nông, ngoài ra, dân làng đã khoanh vùng phát triển sản xuất các loại màu như dưa hấu, đậu mè, các loại cây khác. Bên cạnh đó, các ngành nghề phụ được phát triển như làm bún, thợ nề, các loại hình dịch vụ phát triển mạnh.
- Phường Đạo Đầu:
Địa giới Phường Đạo Đầu phía Bắc giáp thôn 5 xã Triệu Lăng, phía Nam giáp thôn Đạo Đầu xã Triệu Trung, phía Tây giáp làng An Lưu, phía đông giáp làng An Phú và Thượng Trạch.
Phường Đạo Đầu vốn là một phường của làng Đạo Đầu, thuộc tổng An Lưu, huyện Vũ Xương. Sau năm 1945, Phường Đạo Đầu thuộc xã Triệu Trung. Tháng 10-1946, thuộc xã Phong Lai; từ tháng 8-1950, thuộc xã Triệu Cơ, từ tháng 10-1956, thuộc xã Triệu Trung, đến năm 1976 nhập về xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong cho đến ngày nay.
Phường Đạo Đầu gồm có 6 họ: hai Họ Phan, các họ khác thờ ở làng Đạo Đầu xã Triệu Trung gồm Họ Lương, Họ Hoàng, Họ Nguyễn, Họ Lục
Có 4 Miếu thờ: Miếu ngài khai canh thờ ngài Phạm Quý Công, người có công khai phá đất đai, Miếu ông thờ vị Thần Hoàng, Miếu Bà Thủy, Miếu Bà Hỏa, Miếu Âm hồn.
- Làng Thượng Trạch:
Địa giới làng Thượng Trạch phía Bắc giáp làng An Phú, phía Nam giáp làng Đồng Bào, phía Tây giáp Phường Đạo Đầu, phía Đông giáp làng Linh Chiểu.
Căn cứ vào gia phả, thế tục của các dòng họ chính của làng Thượng Trạch từ vị thủy tổ khai khẩn đến nay đã qua 18 thế hệ. Từ khi hình thành đến nay, tên làng Thượng Trạch không thay đổi.
Làng Thượng Trạch từ khi thành lập đến năm 1945 thuộc tổng An Lưu, huyện Vũ Xương (Đăng Xương, Thuận Xương). Sau năm 1945, làng Thượng Trạch thuộc xã Thượng An Phương. Tháng 10-1946, thuộc xã Phong Lai; từ tháng 8-1950, thuộc xã Triệu Cơ, từ tháng 10-1956, thuộc xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong cho đến ngày nay.
Nguồn gốc cư dân của làng Thượng Trạch từ miền đất Thanh Nghệ Tĩnh, theo lời gọi của chúa Nguyễn Hoàng vượt biển vào cảng Cửa Việt, đi sâu vào đất liền khai canh lập ấp đặt tên làng Thượng Trạch. Theo gia phả của làng, khi vào khai phá đất đai có 3 anh em họ Trần và một người họ Trương cùng sinh cơ lập nghiệp. Sau một thời gian sinh sống cùng nhau, có 2 anh em họ Trần chia đi lập nghiệp 2 nơi khác và hình thành thêm các làng Thượng Phước (xã Triệu Thượng) và xã Thượng Nghĩa (xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ) ngày nay.
Từ xưa đến nay, cư dân làng Thượng Trạch chủ yếu sống bằng nghề nông, nhưng do đất chật người đông, đất đai bạc màu nên nghề làm bún có từ rất sớm và trở thành kế sinh nhai chính của làng. Nghề làm bún có nguồn thu tương đối ổn định, tạo việc làm quanh năm cho bà con nhân dân trong làng.
- Làng Văn Phong
Địa giới làng Văn Phong phía Bắc giáp làng Đồng Bào, phía Nam giáp làng Đồng Bào và làng Linh Chiểu, phía Tây giáp làng Đồng Bào, phía đông giáp làng Linh Chiểu.
Làng Văn Phong từ khi thành lập đến năm 1945 thuộc tổng An Lưu, huyện Vũ Xương. Sau năm 1945, làng Văn Phong thuộc đơn vị Linh Đồng Văn. Tháng 10-1946, thuộc xã Phong Lai; từ tháng 8-1950, thuộc xã Triệu Cơ, từ tháng 10-1956, thuộc xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong cho đến ngày nay.
Làng Văn Phong gồm có 5 họ: Trần Công, Trần Tăng, Phan, Nguyễn Đình, Nguyễn Đức.
Có 6 miếu: Miếu Thần Hoàng, Miếu Nền Tế, Miếu Ba Dược, Miếu ông Các, Miếu âm hồn, Miếu Cồn Hàng (Cồn Hàng là một cồn đất cao nằm ở phía Đông làng Văn Phong xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong; cách trụ sở UBND xã khoảng 2,5km về phía Đông Nam).
Tại Cồn Hàng, vào tháng 10/1968, một đơn vị vũ trang K14 và du kích xã Triệu Sơn đã chặn đánh quyết liệt tiểu đoàn kỵ binh bay của Mỹ. Kết quả, quân và dân ta đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu gần 100 tên, bắn cháy 6 máy bay lên thẳng, bắn bị thương 3 chiếc khác, phá huỷ và làm hư hỏng 6 xe tăng M48.
- Làng Đồng Bào:
Địa giới làng Đồng Bào phía Bắc giáp làng Thượng Trạch, An Phú, xã Triệu Lăng, phía Nam giáp làng Xuân Dương, Phú Hải, Tam Hữu, Mỹ Khê, phía Tây giáp làng Trung An, Đạo Đầu, Ngô Xá, phía Đông giáp làng Linh Chiểu, Văn Phong.
Làng Đồng Bào từ khi thành lập đến năm 1945 thuộc tổng An Lưu, huyện Vũ Xương. Sau năm 1945, làng Đồng Bào thuộc xã Linh Đồng Văn. Tháng 10-1946, thuộc xã Phong Lai; từ tháng 8-1950, thuộc xã Triệu Cơ, từ tháng 10-1956, thuộc xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong cho đến ngày nay.
Các thế hệ đầu tiên có công tạo lập nên làng Đồng Bào có gốc từ Thanh Hóa. Công lao đầu tiên thuộc về thủy tổ họ Đặng.
Theo các gia phả để lại, trong một số bài văn tế cúng bái của làng trong những ngày lễ hội đã ghi: “Tiền khai khẩn - Đặng quý công; Hậu khai canh - Nguyễn quý công, Lê quý công, Mai quý công”, thủy tổ họ Lê được hình thành vào đời vua Thành Thái thứ 17. Hiện tại bổn tộc họ Đặng có 4 ngôi mộ tổ trấn giữ 4 góc tương xứng địa giới của làng. Đồng thời các dòng họ Nguyễn - Lê - Mai đều có mộ tổ nằm tại địa giới của làng.
Thế tục các dòng họ Tiền khai khẩn từ vị thủy tổ đến nay đã trải qua 17 đời. Các thế hệ con cháu đã luôn sát cánh bên nhau tạo nên truyền thống tương thân tương ái, đùm bọc che chở nhau lúc gặp khó khăn, hoạn nạn, chia sẻ cho nhau những lúc vui buồn, tạo nên một truyền thống quý báu của làng.
Từ xưa, cư dân làng Đồng Bào sống chủ yếu bằng nghề nông, dân làng đã có câu “Nếp gạo Đồng Bào rất thơm tho, lúa tựa mây vàng che kín đất”. Ngoài ra, dân làng Đồng Bào còn làm thêm một số nghề phụ để phát triển thêm kinh tế như chăn nuôi, các nghề mộc, nề, chạm trổ.
- Làng Linh Chiểu
Địa giới làng Linh Chiểu phía Bắc giáp thôn Thượng Trạch, phía Nam giáp làng Phú Hải xã Hải Ba, phía Tây giáp làng Đồng Bào, phía Đông giáp xã Triệu Lăng.
Làng Linh Chiểu từ khi thành lập đến năm 1945 thuộc tổng An Lưu, huyện Vũ Xương. Sau năm 1945, làng Linh Chiểu thuộc đơn vị Linh Đồng Văn. Tháng 10-1946, thuộc xã Phong Lai; từ tháng 8-1950, thuộc xã Triệu Cơ, từ tháng 10-1956, thuộc xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong cho đến ngày nay.
Làng Linh Chiểu gồm có 7 họ: Nguyễn Quang, Nguyễn Phước, Nguyễn Đăng, Nguyễn Hữu, 2 họ Nguyễn Văn và Trần Đình. Đặc biệt ở làng Linh Chiểu, ngoài miếu thờ Âm hồn còn có 5 miếu thờ năm “bà”: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Từ xưa đến nay làng Linh Chiểu sống bằng nghề nông, nhưng do đất chật người đông đã hình thành thêm nghề bắt lươn và làm bún từ rất sớm.
Tác giả bài viết: Trần Hải - Trích lục Lịch sử Đảng bộ xã Triệu Sơn
Nguồn tin: Văn phòng Đảng ủy xã Triệu Sơn
- Nông dân Triệu Sơn: Sử dụng thiết bị bay điều khiển từ xa phun thuốc Bảo vệ thực vật cho lúa (10/07/2022)
- XÃ TRIỆU SƠN: XÉT NGHIỆM DỊCH BỆNH SARS-COV -2 (10/07/2022)
- Hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa xã Triệu Sơn phát huy có hiệu quả trong thời gian qua (10/07/2022)
- TÓM TẮT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG LÀM BÚN THƯỢNG TRẠCH (10/07/2022)
- Xã Triệu Đại: Đào tạo nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn (10/07/2022)
- Làm giàu từ mô hình trang trại lợn, gà trên cát (10/07/2022)
- Tiếp xúc cử tri tại xã Triệu Lăng (10/07/2022)
- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về biển, đảo (10/07/2022)
ĐC: ..............................................
ĐT: ..................... - Email: ..........................
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ